22/04/2019
6523
0
Tin này thuộc chuyên mục: Tin tức - Thông báo
Khi sống ở nước ngoài, ngôn ngữ quyết định 70% chất lượng cuộc sống của bạn

Chào các bạn! Mình tên Trần Nữ Quỳnh Thư, Thư vừa hoàn thành ba năm sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản. Thư xin chia sẻ với các bạn về cuộc sống trong ba năm ở Nhật của Thư nhé.

Một điều rất may mắn là trước lúc xách ba lô lên và đi, Thư đã có thời gian học tiếng Nhật và “tất tần tật” những gì được gọi là liên quan đến Nhật Bản tại ngôi trường mang tên KAIZEN YOSHIDA SCHOOL. Ở trường, ngoài tiếng Nhật, Thư đã được học những điều mà có lúc Thư đã nghĩ là “thật chán khi học những môn như thế”, nhưng chính thời gian ở Nhật đã chứng minh ngược lại cho Thư thấy rằng đó là cái nền để xây một căn nhà kiên cố, là bước đệm vững chắc để bước tiếp những nấc thang cao hơn ở một đất nước hoàn toàn khác Việt Nam.

Thư thích nghe những câu chuyện thực tiễn về những kinh nghiệm mà các đàn anh, đàn chị đã từng sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản. Trong vô số những câu chuyện đó, Thư không thể nào quên những bài chia sẻ hàng giờ đồng hồ, bài chia sẻ đặt tất cả những tâm huyết của một người thầy mong muốn từng cá nhân học sinh cố gắng thay đổi bản thân theo hướng tích cực, từ đó sẽ tạo nên một thế hệ trẻ sống có ích, cao hơn nữa là một Việt Nam trong tương lai không thua kém gì các nước bạn… Đó là thầy Lê Long Sơn - một người mà Thư đã thầm theo dõi facebook, theo dõi những trang web mạng xã hội để nghe Thầy chia sẻ những điều bổ ích. Cảm ơn Thầy đã luôn là động lực để em cố gắng.

Vậy, tiếng Nhật và những điều học được ở trường đã giúp Thư trãi qua thời gian sống ở Nhật như thế nào?

Thực lòng lúc mới qua Nhật, Thư đã không yêu tiếng Nhật nhiều như Thư nghĩ. Thời gian mới đến Nhật thật sự quá ngỡ ngàng khi ngôn ngữ giao tiếp của người Nhật sao lại khác với những gì mình học đến thế. Cũng như tiếng Việt, văn nói trong tiếng Nhật cũng khác nhiều so với những gì sách vở ghi chép. Thư đã bị shock và cảm thấy thật sự vô dụng khi người Nhật giao việc mà mình không hiểu rõ ý nghĩa (điều này rất nguy hiểm). Thư đặc biệt quan tâm đến văn hoá của người Nhật nên ngoài công việc Thư cũng chủ động tham gia các câu lạc bộ học tiếng Nhật, các sự kiện của Công ty cũng như của Thành phố tổ chức , nhưng năm đầu tiên quá khó khi tiếng Nhật còn yếu, giao tiếp cũng chưa được nhiều nên Thư quyết tâm phải học tiếng Nhật để tìm hiểu những điều mà bản thân quan tâm.

Thư tập cho mình một thói quen, ngồi vào bàn học sau giờ làm việc, thức dậy sớm để tranh thủ thời gian yên tĩnh có thể học hiệu quả hơn, đọc tiếng Nhật mọi nơi mọi lúc (kể cả lúc đi tắm nhé). Và thời gian cứ trôi… bỗng một ngày Thư nhận ra mình đã yêu tiếng Nhật mất rồi, Thư cảm thấy việc đọc sách tiếng Nhật, việc nghe tin tức thời sự (tất nhiên là tiếng Nhật) và việc học đã không còn đáng sợ nữa, và tiếng Nhật đã như một người bạn đồng hành hỗ trợ Thư trong suốt thời gian Thư sống tại Nhật. 

Trong công việc - Thư tự tin hơn khi nhận chỉ thị từ cấp trên, có thể tự mình nêu ra ý kiến (lúc đó rất ra dáng của một nhân viên chính thức của công ty nha các bạn), và đôi lúc được cấp trên tin tưởng để giao những việc khó hơn.

Trong cuộc sống hằng ngày - Thư thoải mái tham gia tất cả những sự kiện, có thể thỏa thích hỏi và lắng nghe chia sẻ từ người Nhật. Người Nhật rất nhiệt tình trong việc hướng dẫn và giải thích, tuy nhiên nếu mình không tương tác, vốn tiếng Nhật không đủ để trao đổi và hiểu những gì mà họ nói thì mình không thể nào kéo dài buổi nói chuyện hàng giờ, và họ cũng ngại mỗi lúc đi chơi với bạn (chỉ vì mình không hiểu những gì họ nói). 

Vì yêu tiếng Nhật nên Thư không chỉ học tiếng Nhật mà còn học những tinh tuý của tiếng Nhật, chẳng hạn như “tôn kính ngữ”, “khiêm nhường ngữ” , “văn phong công sở”… để có thể tuỳ cơ ứng biến mà sử dụng cho đúng ngữ cảnh. Ngoài ra Thư còn tham gia lớp 生け花 (cắm hoa nghệ thuật Nhật Bản), lớp 書道 (viết chữ thư pháp), học cách mặc 着物(Kimono)và tham gia cả lớp 茶道 (trà đạo) nữa. Nhờ tham gia những lớp học này nên Thư hiểu thêm rất nhiều về đất nước nơi mình sinh sống, có thể “chém gió” mỗi lúc nghe người Nhật bàn đến chủ đề liên quan.

Ba năm học tập và làm việc, Thư cố gắng cân bằng giữa công việc và cuộc sống, cố gắng làm những gì có thể để rút ngắn khoảng cách giữa cái gọi là người nước ngoài – người bản xứ. Thư không muốn người Nhật xem mình chỉ là một người nước ngoài, Thư muốn họ công nhận mình, muốn họ trao đổi và hướng dẫn mình cũng như những người Nhật khác, muốn mình có thể tham gia được tất cả những sự kiện, lễ hội của thành phố, muốn họ dẫn mình đi chơi và mà không phải lo “Nếu người ta nói mình có hiểu không?”. Đó là tâm huyết, là mục tiêu mà Thư đã đạt được trong suốt những năm sống tại Nhật Bản. Thật may mắn khi Thư vừa hoàn thành mục tiêu “mềm” mà bản thân đã đặt ra, và cũng đã tạm đạt được mục tiêu “cứng” đó là vượt qua kỳ thi năng lực tiếng Nhật JLPT. 

Tiếng Nhật đã quyết định 70% chất lượng cuộc sống của Thư khi sống ở Nhật bản. Cảm ơn các bạn đã đọc những điều Thư chia sẻ, hy vọng các bạn sẽ theo đuổi tiếng Nhật đến cùng nhé!

tin cùng chuyên mục
scroll top