18/05/2016
2947
0
Tin này thuộc chuyên mục: Vườn ươm nhân tài > Gương thành công
Chia sẻ con đường lập nghiệp thành công tại Nhật (phần II)

ESO - Phần tiếp theo của bài viết "Chia sẻ con đường lập nghiệp thành công tại Nhật" sẽ tập trung vào phân tích những nhân tố dẫn đến thành công của các anh: Nguyễn Ngọc Trung, Nguyễn Ngọc Hiếu, Nguyễn Ngọc Dũng.

<Cách tuyển dụng của công ty Nhật đem đến cơ hội cho kỹ sư theo đuổi đam mê

Theo Giám đốc - Hiệu trưởng Lê Long Sơn, cách tuyển dụng và đào tạo của công ty Nhật đem lại cơ hội cho sinh viên mới ra trường thay đổi tư duy và hướng tới “thực học, thực nghề”. Các công ty Nhật không chọn ứng viên dựa trên bằng cấp, năng lực làm việc cũng chưa phải là yếu tố quyết định trong văn hóa tuyển dụng Nhật Bản. Nhà tuyển dụng Nhật Bản chọn ứng viên dựa trên thái độ và tinh thần của ứng viên.

Các công ty Nhật hướng đến đào tạo ứng viên chưa có kinh nghiệm thành nhân viên thích ứng tốt với công việc và phù hợp với văn hóa công ty. Quá trình đào tạo ở công ty Nhật bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt nhất như lau chùi máy móc, dọn dẹp nhà xưởng là một việc không có gì lạ tại Nhật. Nhưng tâm lý thích hưởng thụ của người Việt, muốn có tiền ngay nhưng không muốn bỏ công bỏ sức chỉ tập trung vào mức lương cao thay vì đầu tư thời gian kiên trì theo đuổi để có sản phẩm tốt đã hạn chế con đường thành công của nhiều kỹ sư Việt tại Nhật.

Hiện nay, người trẻ Nhật không còn hứng thú với ngành sản xuất nên ngành công nghiệp phụ trợ của Nhật đang rơi vào tình trạng thiếu nguồn nhân lực. Các Giám đốc Nhật ở khối ngành sản xuất công nghiệp phụ trợ muốn truyền nghề nhưng không tìm ra ứng viên phù hợp. Xuất thân từ lĩnh vực kỹ thuật với những trăn trở về nền công nghiệp nước nhà, Giám đốc Lê Long Sơn quyết định không đơn phương hoạt động trong lĩnh vực cơ khí mà mong muốn tạo nên một mạng lưới công nghiệp, chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản về Việt Nam bằng cách đưa thật nhiều thanh niên Việt Nam vào làm việc và học tập trong các nhà máy tại Nhật Bản. Anh Nguyễn Ngọc Trung, Nguyễn Ngọc Hiếu, Nguyễn Ngọc Dũng là những thành công điển hình của chương trình.

Chìa khóa của thành công

Với một số thành tựu đã đạt được bằng con đường sang Nhật lập nghiệp, ba cựu học viên Kaizen: Nguyễn Ngọc Trung, Nguyễn Ngọc Hiếu, Nguyễn Ngọc Dũng vẫn đang nỗ lực để đi đến thành công. Thành công thực sự mà tất cả những người học và làm kỹ thuật muốn hướng đến là những sản phẩm kỹ thuật có thương hiệu Việt Nam, là một nền công nghiệp Việt Nam hoàn chỉnh không thua kém các nước trong khu vực. Đó mới là cái đích cần đến của khát vọng thành công.

Như anh Nguyễn Ngọc Trung nhắn nhủ đến các bạn lớp KS: “Nếu chúng ta không thể một mình xây dựng bức tường thành của nền công nghiệp Việt Nam thì mỗi chúng ta có thể đặt một viên gạch, một hòn sỏi để xây bức tường đó. Nhưng hãy là một viên gạch chất lượng, một hòn sỏi chắc chắn.”

Để có những thành tựu riêng đóng góp cho thành công chung của nền công nghiệp Việt Nam. Mỗi người học kỹ thuật phải có quá trình tự thân nỗ lực, phấn đấu riêng.

Những thành tựu của các anh hôm nay không phải ngẫu nhiên đạt được. Xuất phát điểm của các anh cũng giống như tất cả các bạn kỹ sư vừa mới tốt nghiệp, thậm chí anh Nguyễn Ngọc Trung còn tự gọi mình là một “kỹ sư giấy” vậy họ đã làm gì để thành công?

Ở thời điểm mới tốt nghiệp, cả ba đều có điểm chung là luôn trăn trở và đặt những câu hỏi tại sao đầy thúc giục của tuổi trẻ với ước mơ làm ra sản phẩm của một người học kỹ thuật và có “máu kỹ thuật”. Trăn trở đưa họ đến quyết định sang Nhật lập nghiệp, ước mơ không bó hẹp họ với nỗi lo cơm áo. Họ nghĩ lớn hơn và hành động quyết liệt hơn. Anh Ngọc Trung đã thẳng thắn chia sẻ: “Khi mới ra trường, anh cũng như các em chỉ mong có được một chiếc xe máy và một công việc ổn định. Nhưng khi có cơ hội đi Nhật, anh lại muốn mang được công nghệ của người Nhật về Việt Nam.” Ước mơ phải bắt đầu từ những mục tiêu cụ thể. Anh Ngọc Trung chia sẻ thêm: “Ba anh, em tụi anh mỗi người đều có một cuốn sổ tay để ghi lại những mục tiêu cần đạt được trong năm và thường tổng kết vào cuối năm, nhìn lại những gì đã và chưa làm được để tiếp tục cố gắng.”

Ước mơ chỉ là viển vông nếu không đi đến hành động. Sau khi có những mục tiêu riêng, họ đã làm việc cật lực để đạt được những mục tiêu đề ra như anh Nguyễn Ngọc Dũng  chia sẻ: “Phải chiến đấu như một chiến binh”, không khó khăn nào làm họ chùn bước, không sự cẩu thả, lười biếng nào khiến họ buông xuôi, không cám dỗ nào khiến họ lơ là như anh Nguyễn Ngọc Hiếu chia sẻ: “Cho dù đó không phải là lĩnh vực chuyên môn thì sau mỗi ngày từng bước rèn luyện chúng ta sẽ làm được.”

Bên cạnh, đức tính kiên định, kiên trì làm nên thành công, ở họ còn có tính cầu thị và cầu toàn. Trước sự nghiêm khắc và tính cầu toàn của sếp Nhật, họ luôn nhận phần không đúng về phía mình, theo như lý giải của anh Ngọc Trung “Mức độ hoàn hảo của người thợ có 15 năm trong nghề khác với mức độ hoàn hảo của người thợ có 30 năm kinh nghiệm trong nghề, việc bị sếp khiển trách là điều đương nhiên”, hay theo anh Ngọc Hiếu “Khi bạn đứng ở chân núi thì bạn sẽ không thấy đỉnh núi.”

Điều cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng tạo nên thành công của họ là khả năng xây dựng mối quan hệ và xây dựng lòng tin với sếp Nhật. Anh Ngọc Dũng chia sẻ: “Để có mối quan hệ tốt với đồng nghiệp, bạn phải hạ bớt cái tôi của bản thân, đừng tự cho mình là quan trọng. Hiện nay, trong giới trẻ có thuật ngữ “gánh team” nhưng khi làm việc nhóm với người Nhật bạn không phải là người duy nhất gánh vác trách nhiệm của cả nhóm. Trách nhiệm được san sẻ vì thế hãy tôn trọng, lắng nghe và tiếp nhận ý kiến của người khác.”

Anh Ngọc Hiếu sau khi cùng với nhóm của mình hoàn thành nhà xưởng chỉ trong vòng hai tháng rưỡi đã vô cùng tâm đắc nhận ra: “Với một khối lượng công việc khổng lồ, một người không thể nào làm hết, chỉ có sự đoàn kết - mỗi người một việc mới có thể hoàn thành công việc đúng tiến độ. Khi nhìn lại sản phẩm của mình tạo ra và quá trình làm nên nó thực sự rất đáng tự hào.”

Trong câu chuyện lập nghiệp mà ba anh chia sẻ, dễ dàng nhận thấy niềm tin họ gây dựng nơi sếp Nhật đều từ tính kiên định trước cám dỗ, lòng quyết tâm giữ chữ tín và tinh thần nghĩ đến người khác. Nếu không kiên định, anh Ngọc Trung đã trở thành CEO của công ty nào đó và sẽ không có O.N. Precision như hôm nay. Nếu không giữ lời hứa, chùn bước trước khó khăn, anh Ngọc Hiếu đã không có nhà xưởng của riêng mình, nếu không nghĩ đến sự tổn hại hình ảnh của người Việt Nam và phụ lòng của sếp Nhật chắc hẳn bây giờ tất cả họ đã không phải là họ của hôm nay.

Kết thúc buổi chia sẻ kinh nghiệm, các anh Nguyễn Ngọc Trung, Nguyễn Ngọc Hiếu, Nguyễn Ngọc Dũng gửi đến các bạn KS lời nhắn nhủ: “Để nền công nghiệp sản xuất Việt Nam phát triển thì không chỉ một, hai kỹ sư có thể làm được mà cần có sự hợp tác của tất cả các anh, em học và làm kỹ thuật. Ba anh, em chúng tôi hy vọng buổi chia sẻ hôm nay sẽ tiếp lửa cho các bạn kỹ sư trong hành trình sang Nhật học tập và lập nghiệp.”

scroll top