10/05/2018
2970
0
Như một khóa học nghề

Xuất khẩu lao động không phải là đi bán sức lao động kiếm tiền, mà cần được hiểu đó là một khóa học tập thực tế để có sự nghiệp khi về nước.

Vài năm gần đây, xuất khẩu lao động (XKLĐ) được nhiều bạn trẻ lựa chọn để vừa có việc làm, vừa có thu nhập cao và quan trọng hơn cả là được học tập, tích lũy kinh nghiệm cho tương lai. Chỉ sau vài năm, nhiều người trở về nước tiếp tục phát triển sự nghiệp của mình bằng kiến thức đã học trong quá trình lao động ở nước bạn.

Đi một ngày đàng

Có 3 năm làm thực tập sinh tại Nhật, Lê Minh Hận (huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng đó là khoảng thời gian tuyệt vời, làm thay đổi cả cuộc đời mình khi vừa được học nghề vừa có thu nhập.

Đến Nhật vào năm 2013, Hận được vào làm việc cho công ty chế tạo cơ khí chính xác có tên Lead Giken. Tuy quy mô công ty không lớn nhưng ở đó đang sở hữu những người thợ giỏi. Hận học hỏi từ những người đồng nghiệp ở đây và sau 3 năm đã nắm trong tay các công nghệ chế tạo cơ khí chính xác nổi tiếng của nước bạn.

Hận kể người Nhật có tinh thần trách nhiệm rất cao trong công việc, họ luôn đặt lợi ích của tập thể lên hàng đầu, tính kỷ luật và ý thức chấp hành rất cao. Mỗi buổi sáng, trước khi bắt tay vào công việc, mọi người chào hỏi nhau tạo không khí vui vẻ, đoàn kết. Khi làm việc, họ cũng liên tục trao đổi với nhau để có cách giải quyết nhanh và chính xác nhất. Người Nhật cư xử rất hòa nhã; tuyệt đối không chê bai, nói xấu đồng nghiệp; tôn trọng đồng nghiệp và xem nhau như những người bạn. "Tôi nghĩ ai đến Nhật cũng sẽ học được rất nhiều thứ bổ ích, đặc biệt vẫn là kỹ năng nghề nghiệp. Tôi đam mê cơ khí chế tạo nên đã quyết tâm sang Nhật học cho bằng được nghề cơ khí chính xác của họ. Công nghệ của Nhật rất phát triển, họ rất chú trọng đến chất lượng sản phẩm và độ chính xác gần như tuyệt đối nên phải học rất lâu mới đạt. Nếu không chịu khó, nhiều người sẽ nản với nghề này" - Hận nói.

Hiện là đồng sáng lập một thương hiệu thời trang nam khá thành công, Nguyễn Tất Thắng (ngụ quận 9, TP HCM) cho biết đó là thành quả của 5 năm làm việc vất vả tại Hàn Quốc. Đến Hàn Quốc làm công nhân may trong một hãng thời trang có tiếng của nước bạn, Thắng chăm chỉ nên được chủ giao nhiều công việc khác nhau. Đó chính là cơ hội để Thắng học tập cách vận hành của một thương hiệu thời trang, từ việc chọn mua vải, đo, cắt, tạo mẫu…

Về nước, Thắng cùng một người bạn cũng là đồng nghiệp với mình ở Hàn Quốc xây dựng một thương hiệu thời trang nam. Vốn liếng tích lũy sau 5 năm làm việc ở Hàn Quốc của cả hai đều được dồn hết vào dự án tâm huyết này. Sau 4 năm nỗ lực, giờ họ đã có hệ thống 12 shop ở nhiều quận, huyện của TP HCM. "Hồi còn làm bên Hàn Quốc, chúng tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ là chủ thương hiệu thời trang này. Nhưng khi chia tay để chúng tôi về Việt Nam, ông chủ nói rằng muốn sang thăm chúng tôi và được thấy những sản phẩm thời trang do chúng tôi tạo ra. Lời động viên đó đã giúp chúng tôi có cơ nghiệp như bây giờ" - Thắng kể.

Một lớp học cách đứng của các học viên chuẩn bị đi Nhật làm việc

Sắm cần câu

Ông Lê Long Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Esuhai, ví von đi XKLĐ cũng như chuyện "cần câu - con cá" vậy. Nếu chỉ chăm chăm vào con cá thì bạn sẽ không có nhiều ý chí học tập. Bạn nên chú ý đến cần câu vì đây là cơ hội tốt nhất sắm cho mình một cần câu thật chắc, thật tốt để có thể câu được nhiều con cá khác nhau.

Ông Sơn chia sẻ khi Nhật Bản tổ chức chương trình thực tập sinh, mục tiêu của họ là tạo điều kiện cho các bạn trẻ của các nước khác đến Nhật học tập và làm việc. Sau khi về nước, các thực tập sinh đó sẽ phát huy những gì học được để phát triển sự nghiệp của mình, giúp đất nước phát triển nhanh hơn. Đó là ý nghĩa lớn nhất mà chương trình thực tập sinh hướng tới và cũng là mục tiêu của các chương trình trao đổi lao động giữa các nước. Nhật Bản có nền kinh tế phát triển toàn diện, công nghệ, khoa học, kỹ thuật rất tiên tiến, là cơ hội tốt để học tập trong quá trình làm việc. Người Nhật nổi tiếng làm việc chăm chỉ, ai cũng có ý thức trách nhiệm, bạn sẽ học được rất nhiều kỹ năng làm việc cũng như tác phong của họ.

Có nhiều năm kinh nghiệm đưa lao động đi Nhật Bản làm việc, ông Sơn nói rằng đa số lao động ra nước ngoài làm việc đều muốn có thu nhập cao. Điều đó khiến họ có tư tưởng XKLĐ là đi bán sức lao động. Trong khi thời hạn được làm việc ở nước ngoài không nhiều nên nếu không chịu khó trau dồi kiến thức thì khi về nước, bạn không có gì trong tay ngoài tiền. Tiền rồi sẽ hết nhưng nghề thì có thể theo mãi đủ nuôi sống bạn suốt đời. 

Trải nghiệm một cách nghiêm túc

"Tôi thấy nhiều bạn trẻ đặt sai mục tiêu khi đi XKLĐ. Mục tiêu khi ra nước ngoài làm việc phải là học tập, làm chủ công nghệ để mang về nước làm tốt hơn. Các bạn còn trẻ, đường sự nghiệp còn rất dài nên mục tiêu ban đầu của các bạn nên là học tập. Được trải nghiệm ở một nước nào đó trong vài năm là điều thú vị nhất của sự nghiệp. Muốn thành công thì bạn trẻ nên trải nghiệm một cách nghiêm túc, ham học hỏi, làm chủ công việc, nắm rõ công nghệ… Sau trải nghiệm thực tế ở nước ngoài, bạn sẽ có đủ vốn kiến thức lẫn tiền bạc để có thể về nước khởi nghiệp, làm giàu cho chính bản thân mình và cho đất nước" - ông Lê Long Sơn chia sẻ.

Theo Giang Nam – Báo Người Lao Động.

scroll top