09/09/2022
3145
0
Bunraku - Nghệ thuật múa rối đặc trưng của Nhật Bản

“Bunraku” ban đầu dùng để chỉ nhà hát đặc biệt được thành lập vào năm 1872 ở Osaka, được đặt tên Bunrakuza theo tên của người điều khiển rối Uemura Bunrakken.

Sau này Nhà hát “Bunraku” nổi tiếng và tên “Bunraku” cũng được nhiều người biết đến. Tính đến hiện tại, Bunraku có lịch sử hơn 300 năm, và điều làm cho Bunraku trở nên đặc biệt đó là kỹ thuật cao khi điều khiển con rối như con người thật. Vì vậy Bunraku không chỉ là văn hóa truyền thống của Nhật Bản mà còn được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.

Nhắc đến múa rối người ta sẽ nghĩ nội dung của những vở kịch chủ yếu là dành cho trẻ em, tuy nhiên Bunraku lại dành cho người lớn là chủ yếu. Nội dung của các vở kịch thường nói đến các anh hùng thời cổ đại, những câu chuyện tình yêu thời kỳ Edo, hay cả những bi kịch trong tình yêu,… Bunraku không chỉ cuốn hút người xem bởi nội dung đặc sắc, mà còn cuốn hút bởi ba diễn viên trụ cột tài năng.

Đầu tiên phải nói đến người điều khiển rối – “Ningyotsukai”. Con rối trong Bunraku được điều khiển bởi ba người. Đó là người điều khiển tay trái - “Hidarizukai”, người điều khiến phần cổ và tay phải - “Omozukai”, và cuối cùng là người điều khiển phần chân của con rối - “Ashizukai”. Những người xem Bunraku chắc hẳn đều sẽ thán phục khi cả ba người phối hợp nhịp nhàng trong cùng một con rối, bí quyết nằm ở dấu hiệu, chỉ thị gọi là “Zu” do Omozukai phát ra cho hai người còn lại bằng nhiều cách khác nhau mà không cần dùng lời nói. Omozukai không chỉ điều khiển phần cổ và tay phải của con rối, mà còn đảm nhiệm việc phát tín hiệu, chỉ thị về cách chuyển động của con rối cho hai người còn lại. Và một điều đặc biệt hơn cả là ba người này không hề luyện tập cùng nhau thường xuyên nhưng khi lên sân khấu biểu diễn họ lại phối hợp một cách vô cùng nhịp nhàng. Chủ yếu mỗi người sẽ tự luyện tập với con rối, và cũng phải mất một khoảng thời gian khá lâu thì họ mới trở nên điêu luyện như vậy.

Thông thường để trở thành người giữ vai trò Ashizukai thì mất khoảng 10 năm luyện tập, tiếp đến cần mất khoảng 15 năm để trở thành Hidarizukai, và lâu nhất là Omozukai. Diễn viên trụ cột thứ hai là người chơi nhạc cụ - “Shamisen”. Đây là một nhân tố giúp cho các vở kịch thêm phần đặc sắc, kịch tính hơn, tùy vào từng vở diễn mà giai điệu Shamisen sẽ khác nhau. Tuy chỉ có một người chơi Shamisen nhưng họ có thể thể hiện được cá tính của từng nhân vật, thậm chí có thể dùng tiếng nhạc để nói về thời tiết, khung cảnh của câu chuyện. Và nhân tố thứ ba làm nên thành công của một vở diễn đó là người dẫn chuyện – “Tayu”, cũng giống như Shamisen thì mỗi vở diễn cũng chỉ có một người dẫn dắt. Thế nhưng họ không chỉ đơn thuần đọc truyện mà họ dùng chất giọng của mình để lôi cuốn người nghe vào câu chuyện, tùy từng nhân vật họ sẽ có những cách kể khác nhau, giúp người nghe đồng cảm được với nhân vật.

Bunraku không chỉ thu hút người xem bởi những nghệ nhân tài năng, nội dung câu chuyện mà còn có sự đầu tư vô cùng tỉ mỉ. Con rối Bunraku được thiết kế với kích thước cao khoảng 0,75- 1,2m, tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính của nhân vật và tục lệ riêng của mỗi đoàn kịch. Hơn thế nữa, con rối được chạm trổ những đường nét trên khuôn mặt vô cùng tinh xảo, để thể hiện từng nhân vật một cách rõ ràng nhất. Có một số loại đầu con rối nổi tiếng như: Bunhichi, Kenbishi, Danhichi, Musume, Baba, Keisei. Bunhichi là con rối có bộ lông mày dài, rậm và đôi mắt to, tượng trưng cho những vị thủ lĩnh hay những người đứng đầu. Kenbishi tượng trưng cho mẫu hình nam “điển trai, tốt bụng”. Danhichi là hình tượng của những kẻ ác, xấu xa. Musume tượng trưng cho các cô gái trẻ, chưa có chồng, với tính cách dịu dàng, thùy mị. Baba là hình tượng đại diện cho những người phụ nữ trung niên, với tính cách nhân từ, đức hạnh. Keisei tượng trưng cho phái nữ, thuộc tầng lớp quý tộc.

Bunraku quả thật xứng đáng là nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản. Bởi Bunraku toát lên được sự tỉ mỉ, tinh tế trong từng vở diễn, đúng với tính cách của người Nhật. Chính vì vậy mà cho đến tận bây giờ Bunraku vẫn được gìn giữ nguyên vẹn và ngày càng được nhiều người quan tâm.

Để tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa, khoa học, công nghệ và những điều thú vị khác của đất nước mặt trời mọc, các bạn hãy tham gia những chương trình tại KaizenYoshidaSchool để trau dồi tiếng Nhật cho mình một cách tốt nhất. Gọi liền Hotline (028) 777.96.222 để được tư vấn ngay hôm nay bạn nhé!

scroll top